6 BÀI HỌC VỀ KỸ NĂNG XÃ HỘI QUAN TRỌNG CHA MẸ CẦN DẠY CHO CON

1. Bài học về chia sẻ

Việc dạy con biết chia sẻ một bữa ăn nhẹ hoặc món đồ chơi là lối tắt nhanh nhất giúp trẻ kết bạn. Theo nghiên cứu năm 2010 được công bố trên tạp chí Khoa học Tâm lý, trẻ em từ 2 tuổi đã biết bày tỏ mong muốn được chia sẻ với người khác, nhưng thường chỉ khi những thứ chúng sở hữu thật dồi dào.
Trái lại, trẻ lứa tuổi từ 3 đến 6 lại tỏ ra ích kỷ không muốn nhường nhịn. Đến khoảng 7 hoặc 8 tuổi, hầu hết trẻ em đã đần hướng đến sự công bằng và sẵn sàng san sẻ những gì mình có. Nghiên cứu cũng cho thấy, những đứa trẻ ngoan thường dễ chia sẻ hơn và hành động này đồng thời cũng khiến bé cảm nhận mình là một người tốt. Vậy nên, dạy con biết chia sẻ cũng chính là chìa khóa để xây dựng lòng tự trọng của chúng.
Cách dạy trẻ
Mặc dù bạn có thể không muốn ép buộc con mình chia sẻ một số món đồ chơi nhất định, nhưng nên cố gắng tạo thói quen và chỉ ra những tình huống mà bé cần chia sẻ. Hãy dành một vài lời khen cho bé, cũng như cho trẻ biết cảm nhận của người khác thế nào. Một vài câu nói khích lệ bạn có thể nói với trẻ như: “Mẹ rất tự hào về con!”, “Đó là một điều tốt đẹp nên làm”, “Cho đi sẽ nhận được nhiều hơn”…

2. Lắng nghe

Lắng nghe không chỉ đơn thuần là việc chỉ giữ yên lặng, mà nó đòi hỏi bạn cần phải thấu hiểu những gì người khác đang nói. Điều này cũng là một phần quan trọng trong việc xây dựng nên một cuộc giao tiếp lành mạnh.
Hơn nữa, phần lớn việc học tập ở trường phụ thuộc vào khả năng của trẻ để lắng nghe những gì giáo viên giảng dạy. Nếu như con có khả năng tiếp thu tốt, cộng thêm với các kỹ năng khác như ghi chép và phân tích những gì đang được nghe thì ắt hẳn bé sẽ tiến bộ hơn trong học tập.
Kỹ năng xã hội này là một trong những yếu tố quan trọng cần chú trọng, nhất là thời đại hiện nay, khi các thiết bị kỹ thuật số ngày càng phát triển mạnh mẽ, con người ta có xu hướng chăm chăm vào màn hình điện thoại, máy tính mà quên đi cách giao tiếp, lắng nghe.
Cách dạy trẻ
Khi đọc sách cho trẻ, bạn nên định kỳ dừng lại và yêu cầu trẻ thuật lại những gì mà bạn đã đọc. Đôi khi trẻ có thể bị vấp, bạn hãy giúp bé điền vào những khoảng trống và khuyến khích trẻ tiếp tục lắng nghe tiếp. Ngoài ra, nên dạy trẻ không được phép ngắt lời người khác khi họ đang trò chuyện.

3. Bài học về sự hợp tác – Kỹ năng xã hội vô cùng quan trọng

Hợp tác có nghĩa là làm việc cùng nhau để đạt được một mục tiêu chung, đây cũng là một kỹ năng xã hội rất cần thiết trong cuộc sống hiện nay. Kỹ năng hợp tác tốt là điều cần thiết để hòa nhập thành công trong cộng đồng. Có rất nhiều tình huống mà con bạn sẽ cần phải hợp tác với các bạn cùng lớp trên sân chơi, cũng như trong lớp học. Hợp tác cũng là một yếu tố quan trọng với một người trưởng thành. Một môi trường làm việc phát triển mạnh mẽ chính là nhờ vào khả năng làm việc nhóm của đội ngũ nhân viên.
Với trẻ nhỏ, bắt đầu từ ba tuổi rưỡi, bé đã có thể bắt đầu tham gia hoạt động với các bạn cùng lứa vì một mục tiêu chung. Ở trẻ em, sự hợp tác có thể liên quan đến bất cứ điều gì, từ việc xây dựng một tháp đồ chơi cùng nhau hay chơi một trò chơi tập thể đòi hỏi các bé cùng tham gia. Thông qua những hoạt động này, trẻ không chỉ có dịp học hỏi và phát triển kỹ năng lãnh đạo mà còn có cơ hội để tìm hiểu thêm về bản thân.
Cách dạy trẻ
Bạn nên chia sẻ với con về tầm quan trọng của tinh thần đồng đội, cách mà công việc sẽ hoàn thành tốt hơn khi mọi người cùng tham gia. Một vài dịp, bạn có thể tranh thủ tạo cơ hội cho cả gia đình cùng làm việc, đó có thể là cùng nấu một bữa ăn hay một công việc cụ thể nào đó. Đồng thời, bạn nên nhấn mạnh cho trẻ tầm quan trọng của sự hợp tác thường xuyên.

4. Thực hiện theo chỉ dẫn

Việc tuân thủ theo những chỉ dẫn là một kỹ năng xã hội rất quan trọng có ảnh hưởng đến hành vi và lối ứng xử của trẻ sau này. Những đứa trẻ gặp khó khăn trong việc làm theo những chỉ dẫn có nguy cơ gặp nhiều rắc rối.
Tuy nhiên, trước khi mong đợi con mình có thể tuân thủ tốt theo các hướng dẫn, điều cần thiết là bạn hãy thành thạo trong việc đưa ra chỉ dẫn cho con mình. Không nên lồng ghép quá nhiều yêu cầu trong cùng một lúc. Lấy ví dụ, thay vì nói: “Hãy cất giày vào kệ, dọn dẹp sách vở và rửa tay chuẩn bị ăn tối”, bạn nên đợi đến khi trẻ cất giày xong rồi đưa ra yêu cầu tiếp theo.
Một sai lầm cần tránh là bạn không nên đưa ra yêu cầu của mình theo dạng câu hỏi lựa chọn, chẳng hạn như: “Con có thể nhặt đồ chơi của mình hay không?”. Đối với những yêu cầu dạng này, trẻ thường sẽ hiểu rằng con có thể thực hiện hoặc không. Khi đưa ra hướng dẫn, hãy chờ trẻ phản hồi lại hoặc nói trẻ nhắc lại những gì đã nghe từ bạn.
Sẽ là điều rất bình thường khi có những đứa trẻ bị phân tâm, cư xử bốc đồng hoặc quên đi những gì chúng phải làm. Mỗi lần trẻ gặp sai lầm là một cơ hội để giúp bé mài giũa kỹ năng của mình.
Cách dạy trẻ
Nên dành những lời khen cho con vì đã làm theo chỉ dẫn bằng cách nói những câu như: “Cảm ơn con vì đã tắt tivi giúp mẹ”. Nếu con bạn phớt lờ việc làm theo chỉ dẫn, hãy cho bé cơ hội thực hành theo những yêu cầu đơn giản nhất. Lặp đi lặp lại những bước như ra yêu cầu và sau đó là lời cảm ơn ngay lập tức để khích lệ trẻ.

5. Dạy trẻ tôn trọng không gian cá nhân – Kỹ năng xã hội nên rèn từ bé

Một số trẻ nhỏ tỏ ra khá gần gũi khi có thể trèo lên xà vào lòng người khác mà không hề quan tâm đến sự thoải mái của họ. Điều đáng nói là các bậc phụ huynh nên dạy cho trẻ học cách tôn trọng mọi người, bởi lẽ đây là kỹ năng xã hội không thể thiếu khi vào đời.
Bạn có thể tạo ra các quy tắc trong gia đình để hướng trẻ đến vấn đề tôn trọng người khác, đặc biệt là không gian cá nhân. Một số quy tắc gợi ý như: nên gõ cửa trước khi vào phòng của bất kỳ ai hay không được chạm vào những gì không là của mình. Bạn cũng nên đặt ra những hình phạt nếu như trẻ không tuân thủ theo những quy tắc đã đặt ra.
Cách dạy trẻ
Hãy dạy con bạn đứng cách mọi người một khoảng bằng độ dài cánh tay khi chúng nói chuyện. Khi đứng xếp hàng, hãy nói với trẻ về việc không nên chạm vào những người xung quanh. Bạn có thể nhập vai theo nhiều kịch bản khác nhau để giúp con học hỏi điều này được tốt hơn.

6. Giao tiếp bằng mắt

Việc giao tiếp bằng mắt cũng là kỹ năng xã hội cần thiết. Việc cần làm là dạy trẻ cách nhìn vào mắt ai đó khi đang trò chuyện, đây là cách để tiếp nhận và không bỏ sót thông tin, cũng như xua tan sự sợ hãi lo lắng.
Dù vậy, một số trẻ lại tỏ ra khá nhút nhát hay chỉ nhìn chăm chăm vào sàn nhà hoặc đánh lạc hướng sang hoạt động khác. Nếu con rơi vào tình huống này, bạn nên nhắc nhở trẻ nhìn vào mắt người đang nói chuyện cùng mình.
Cách dạy trẻ
Cùng con chơi một trò chơi trò chuyện bằng mắt. Yêu cầu trẻ kể cho bạn nghe một câu chuyện trong khi bạn nhìn chằm chằm xuống đất, nhắm mắt lại hoặc nhìn mọi nơi trừ trẻ. Sau đó, để trẻ kể một câu chuyện khác và có sự giao tiếp bằng mắt khi đang trò chuyện. Sau đó hỏi cảm giác của trẻ trong cả 2 trường hợp

Làm thế nào để thuê được một gia sư giỏi cho con???

Phụ huynh vui lòng điền thông tin vào ô dưới đây chúng tôi sẽ liên hệ lại. Nếu cần gấp phụ huynh có thể gọi điện, nhắn tin SMS, nhắn tin zalo, nhắn tin facebook bằng cách ấn vào các nút trên Website hoặc gọi điện đến số 0703.105.105. Trân trọng cảm ơn!


     

    ĐỌC NGAY >>> Muốn dạy con trở thành người hạnh phúc,

    thành công phải đọc ngay bài này